Huegatex vinh dự đăng cai Hội thảo vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung
Ngày tạo: 10-07-2024
Tiếp nối chuỗi Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi, sáng ngày 03/7/2024, Công ty CP Dệt May Huế (Huegatex) vinh dự được Tập đoàn chọn làm nơi đăng cai “Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung”. Hội thảo tiếp tục tổ chức tại khu vực miền Trung với mục đích tập hợp lại những kiến thức, kỹ năng của các đơn vị ngành Sợi khu vực miền Trung từ đó góp phần hình thành nên tài sản kiến thúc chung, tiếng nói chung của cộng đồng những người làm kỹ thuật ngành Sợi.
Toàn cảnh Hội thảo Chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung
Tham dự Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam; ông Phạm Văn Tân – PTGĐ Thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam; ông Trần Hữu Phong – Chủ tịch HĐQT Vinatex Phú Hưng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung; ông Nguyễn Văn Phong – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế - đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo cùng các ông bà là Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt ngành Sợi của 4 đơn vị khu vực miền Trung.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo và định hướng cho Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex thể hiện sự trân trọng đối với sự nỗ lực, nhiệt tình, cần cù và trách nhiệm toàn thể NLĐ nói chung và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị khu vực miền Trung. Ông Lê Tiến Trường cho biết, ngành Sợi của Vinatex cải thiện là nhờ sự đóng góp của các đơn vị miền Trung.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Vinatex nhận định, đây là lần đầu tiên trong 30 năm Tập đoàn tổ chức Hội thảo có tính chuyên đề sâu với các cán bộ kỹ thuật cấp trung để tìm con đường đi về mặt kỹ thuật. Ngoài câu chuyện chi phí bỏ ra cho vật tư phụ tùng thì điều quan trọng hơn mà Tập đoàn quan tâm là chất lượng, năng suất, độ ổn định, hiệu suất của các loại máy móc kĩ thuật.
Ông Nguyễn Văn Phong – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty đại diện đơn vị đăng cai Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe chuyên đề đánh giá kim chải, vòng bi, vòng da suốt cao su, khuyên, dây sangle và trao đổi các vấn đề liên quan đến vật tư phụ tùng ngành Sợi. Ông Trần Hữu Phong- Trưởng ban tổ chức Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung nhận xét: Đây là dịp mà Công ty có thể đánh giá một cách đầy đủ khoa học có căn cứ dữ liệu để biết sử dụng vật tư phụ tùng hợp lý nhất. Các đơn vị có cơ hội được biết rõ và tham khảo được nhiều kinh nghiệm về cách thức sử dụng vật tư phụ tùng, xử lý phòng ngừa những trường hợp xấu có thể xảy ra. Có thể nói rằng yếu tố con người cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng của vật tư phụ tùng. Qua Hội thảo, các Công ty cũng sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về vật tư, phụ tùng để có quyết định sử dụng, lựa chọn vật tư, phụ tùng hợp lý hơn và tạo ra một thói quen trong việc đánh giá vật tư phụ tùng, việc theo dõi quá trình sử dụng, lưu trữ các dữ liệu hình ảnh để có cơ sở khi đánh giá chất lượng, hiệu quả việc sử dụng khi hết chu kỳ sử dụng, làm căn cứ để mua vật tư phụ tùng sắp đến. Không chỉ vậy, các Công ty còn có cơ sở để gom lại một số vật tư phụ tùng dùng chung để giảm lượng dự trữ, dự phòng vật tư, có điều kiện đàm phán với đối tác cung cấp với giá cả tốt nhất và tìm hiểu thêm một số vật tư phụ tùng mới cho kết quả sử dụng hợp lý với chất lượng sợi tốt nhất. Hơn thế, để Hội thảo chuyên đề lần này tiếp tục phát huy hiệu quả lâu dài, cả 4 đơn vị sẽ cùng lập một nhóm hoạt động trên ứng dụng mạng để cùng nhau trao đổi các vấn đề kỹ thuật và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất.
Ông Trần Hữu Phong- Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu nhận xét
Kết thúc buổi Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận và biểu dương tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị của cả 4 đơn vị. Qua lắng nghe các bài tham luận hết sức chi tiết và có giá trị thực tiễn, Chủ tịch Vinatex mong muốn tập hợp những ý kiến đơn lẻ đó thành một hệ thống hướng dẫn cụ thể thông minh, với từng trường hợp điều kiện khác nhau (máy móc, độ ẩm, điều kiện biến động sản xuất..) thì sẽ tìm ra từng phương pháp giải quyết phù hợp. Do đó, các đơn vị phải tuỳ cơ ứng biến không sao chép cách làm, phương pháp của nhau. Và để thuận tiện hơn trong việc trao đổi tổng hợp các ý kiến, các đơn vị nên chia ra thành từng nhóm trao đổi chuyên môn cụ thể như nhóm kim chải, nhóm dây săng, nhóm vòng bi,… Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện tổ chức “Hội nghị đầu bờ” 3 tháng 1 lần ngay tại khu vực sản xuất, luân phiên tại các đơn vị. Hơn thế, mỗi lần tổ chức Hội nghị sẽ là một lĩnh vực khác nhau mang tính chuyên sâu theo thế mạnh của từng đơn vị tổ chức.
Các tin khác
- Công ty CP Dệt May Huế tổ chức sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch Quý VI năm 2024 (28/10/2024)
- Công ty Cổ phần Dệt May Huế khởi công Nhà máy May 3 tầng (24/10/2024)
- Công ty CP Dệt May Huế tổ chức sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 (26/07/2024)
- Huegatex vinh dự đăng cai Hội thảo vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung (10/07/2024)
- “Trao đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc” 88 triệu đồng chia sẻ cùng CBCNV có hoàn cảnh khó khăn (16/05/2024)
- Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (22/04/2024)
- Hội nghị Sơ kết công tác SXKD Quý I và triển khai kế hoạch nhiệm vụ Quý II năm 2024 (22/04/2024)
- Tổ chức khám sức khoẻ định kì gần 5000 người lao động Công ty CP Dệt May Huế (04/04/2024)